Nếu bạn muốn vượt qua được buổi phỏng vấn của nhà tuyển dụng, hãy tham khảo những câu hỏi sau và chuẩn bị thật kỹ. Chuẩn bị là một bước của thành công, "Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại"
Nếu bạn muốn vượt qua được buổi phỏng vấn của nhà tuyển dụng, hãy tham khảo những câu hỏi sau và chuẩn bị thật kỹ.
1. Tại sao bạn muốn có công việc này?
Với câu hỏi này cố gắng không nói dông dài về các thách thức cũng như viễn cảnh. Hãy nói về những lợi ích và nêu ra cụ thể loại thách thức nào mà bạn cảm thấy hứng thú. Ví dụ: “Tôi là một nhà tổ chức giỏi và tôi đang tìm kiếm một vị trí tạo cho tôi cơ hội lập kế hoạch và tổ chức” hoặc “Tôi rất muốn làm việc ở một nhóm thành công và công việc này dường như sẽ cần một người có khả năng hòa đồng nhanh với nhóm”.
Đây cũng là cơ hội tốt để bạn thể hiện bạn đã tìm hiểu kỹ về công ty, bạn nên nói ngắn gọn và chỉ nói những gì có liên quan. Bạn có thể nói kiểu như: “Tôi nhận thấy các công ty đang phát triển có một môi trường năng động và tôi biết trong bốn năm gần đây tăng trưởng bình quân của công ty các anh là 6%”.
2. Bạn có những khả năng gì để đảm đương công việc?
Thêm một câu hỏi nữa cho bạn có cơ hội để tỏa sáng. Bạn cần gắn kết các kinh nghiệm hoặc kỹ năng của bạn với yêu cầu công việc. Vì vậy, hãy nêu khoảng 3 điểm mạnh chính có lợi cho bạn có liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ như: “Tôi rất giàu kinh nghiệm giao tiếp với khách hàng, thậm chí với cả những khách hàng rất khó tính. Tôi rất dễ hòa đồng với người khác nên làm việc nhóm rất tốt. Tôi vốn là người ngăn nắp có thể dễ dàng đảm nhiệm những công việc giấy tờ và phù hợp với bất kỳ hệ thống nào. Theo tôi hiểu đây chính là những kỹ năng quan trọng đối với công việc này”.
3. Bạn hy vọng sẽ làm việc ở công ty này bao lâu?
Nhà tuyển dụng không muốn tuyển dụng một người sẽ từ bỏ công ty khi đã khai thác hết giá trị của nó. Vì vậy, hãy thể hiện rằng bạn muốn làm việc ở công ty trong thời gian dài. “Tôi muốn làm việc, trưởng thành và phát triển tại đây. Tôi sẽ làm việc trong một thời gian dài, không ngừng tiến bộ và có những đóng góp nhất định cho công ty”.
4. Những điểm mạnh nhất của bạn là gì?
Đây là một câu hỏi lý tưởng. Bạn chỉ cần trả lời xoay quanh các nhiệm vụ chính của công việc để khẳng định những điểm mạnh có liên quan đến công việc. Hãy nhớ không nói dài dòng, chỉ nêu từ một đến hai điểm mạnh chính, quan trọng là đối với công việc này.
5. Những điểm yếu nhất của bạn là gì?
Câu hỏi này buộc bạn phải nói những điều không tốt của bản thân. Cách phòng thủ tốt nhất là:
- Nói kiểu hài hước.
- Kể một điều về bản thân không liên quan đến công việc. Ví dụ như: “Tôi không rành về việc nhà như thay bóng đèn hay lắp vòi nước”.
- Kể về một sự việc đã xảy ra rất lâu mà bạn đã rút ra được một bài học. Ví dụ như: “15 năm trước tôi luôn bị la mắng về việc để giấy tờ lộn xộn, nhưng giờ tôi đã học được cách dành 30 phút đầu tiên mỗi ngày cho công việc này. Bây giờ tôi nghĩ tôi làm công việc này tốt hơn bất kỳ đồng nghiệp nào”.
- Nói về một điều mà nhà tuyển dụng coi là điểm mạnh. Ví dụ: “Tôi rất sợ phải dừng lại giữa chừng. Tôi thường ở lại công ty cho đến khi hoàn thành công việc, ngay cả khi gia đình tôi luôn phàn nàn rằng tôi thường xuyên về nhà muộn”.
6. Bạn hình dung mình sẽ ở vị trí nào sau 5 năm nữa?
Hãy thận trọng khi trả lời câu hỏi này bởi nếu bạn đưa ra một mục tiêu cụ thể và nhà tuyển dụng hiểu rằng họ không thể đáp ứng, họ sẽ không lựa chọn bạn. Vì vậy, hãy để ngỏ câu trả lời nhưng nên nhớ họ cần biết bạn sẽ nỗ lực và không ngừng làm gia tăng giá trị cho họ. Hãy trả lời kiểu như: “Tất nhiên, tôi là một người tham vọng. Tôi thích sự tiến bộ và phát triển. Nhưng các anh không thể khiến một công việc phù hợp với một danh sách điều kiện. Tôi cho rằng điều nên làm là để công việc đưa anh tiến lên phía trước”.
Theo cuốn Phỏng vấn tuyển dụng